Thống kê từ nhiều trang báo mạng cho biết, Việt Nam có đến hơn 40 triệu xe máy và gần 2 triệu xe hơi cá nhân, nhưng không có thống kê số lượng xe đạp. Xe đạp dường như chỉ dành cho người nghèo không có đủ tiền sắm xe máy. Tuy nhiên, khi môi trường đô thị ngày càng bị ô nhiễm bởi khói bụi, thêm xu hướng năng vận động để bảo vệ sức khỏe thì số lượng người chọn xe đạp làm phương tiện đi lại đang ngày một tăng.
Ở các đô thị lớn, tỷ lệ xe máy trên đầu người sử dụng là 1:1: nhà bao nhiêu người thì bấy nhiêu xe máy. Điều đáng suy nghĩ là xe máy chiếm 85% phương tiện giao thông đường bộ, cũng chiếm 70% số vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê, trong số 22.000 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm, người đi xe máy chiếm 58%. Đi xe máy đang trở thành mối nguy hiểm.
Trong khi đó, tại các nước phát triển như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… tỷ lệ người dân chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính chiếm đến hơn 60%. Cao nhất là Hà Lan với tỷ lệ 99,1% người dân đi xe đạp, kế đến là Đan Mạch (80,01%), Đức (75,8%), Thụy Điển (63,7%), Na Uy (60,7%), Nhật (56,9%)…
Cải thiện sức khỏe, tiết kiệm, thân thiện với môi trường chính là những lý do khiến người dân ở các nước phát triển quay trở lại sử dụng xe đạp để di chuyển hằng ngày. Thống kê cho thấy, việc sử dụng xe đạp có thể giúp ngăn chặn tới 90.000 tấn CO2 thải vào không khí mỗi năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc môi trường được bảo vệ tốt hơn.
Nhìn trên đường phố TP.HCM, xe đạp không còn chỉ phục vụ cho người nghèo không có tiền mua xe máy, bởi xe đạp đẹp, nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài đang ngày càng nhiều. Ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị khác, người yêu xe đạp đã tập hợp thành những câu lạc bộ với rất nhiều thành viên. Trên các mạng xã hội, những diễn đàn, hội nhóm dành cho dân đạp xe ngày một nhiều.
Xu hướng chọn xe đạp làm phương tiện luyện tập thể dục thể thao đang phát triển, với giá trị của từng “con xe” có thể lên đến hàng trăm triệu đồng! Thế còn việc chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính thì sao?
Năm năm trước, tôi đã mua một cái xe đạp để khi nào rảnh lấy ra đạp vòng vòng quanh nhà như một cách tập thể dục, đồng thời sử dụng làm phương tiện di chuyển trong khoảng cách vài cây số.
Lần đầu tiên đi lại xe đạp sau nhiều năm đi xe máy, tôi thấy thật dễ chịu, nhưng cũng vô cùng hoảng sợ khi phải băng qua những ngã ba, ngã tư có quá nhiều xe cộ, nhất là khi buộc phải chen chúc giữa xe hơi và xe buýt. Xe đạp bất tiện ở chỗ không có kính chiếu hậu, không có đèn xi-nhan, còi xe lại quá yếu ớt nên thường gây khó khăn cho người sử dụng.
Hơn thế, TP. HCM lại không có làn đường dành riêng cho người đi xe đạp nên người dân muốn lựa chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính cũng ngại.
Bây giờ, tôi chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính vì văn phòng làm việc chỉ cách nhà có 2km. Nhiều bạn bè của tôi cũng thích dùng xe đạp đi làm nhưng không phải ai cũng may mắn có chỗ làm việc gần nhà. Mỗi khi cần đi xa, tôi vẫn phải dùng xe ôm hoặc tắc xi, vì thật sự không dám di chuyển trên chiếc xe đạp trong dòng xe hỗn độn hiện nay.
Giá mà ở Việt Nam có làn đường dành riêng cho xe đạp thì tốt biết mấy!
Tư vấn thông tin khóa học: