Việc xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm với đối tượng là trẻ em, bên cạnh những mặt tích cực, nâng cao ý thức của người dân, không ít ý kiến cho rằng nó đang “phản tác dụng”. Hay nói cách khác, với đối tượng là trẻ nhỏ, việc giáo dục ý thức chấp hành giao thông an toàn quan trọng hơn là việc khiến tư tưởng các em luôn phập phồng trong cảnh bị ép buộc, sợ hãi.
Phạt tiền, hạ hạnh kiểm coi chừng tác dụng ngược
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trên địa bàn 47/63 tỉnh, thành phố cả nước những ngày ra quân xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông đã có 1.280 trường hợp bị lập biên bản, 1.210 trường hợp bị xử phạt và lực lượng chức năng đã nhắc nhở 1.390 trường hợp... Con số này đã phản ánh phần nào thực trạng thiếu sát sao, thiếu quan tâm đến tính mạng trẻ nhỏ khi tham gia giao thông của phụ huynh.
Cũng trong những ngày cao điểm ra quân này, dư luận ghi nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng hiện mức xử phạt mỗi lần vi phạm với hành vi này chỉ dao động từ 100.000 – 200.000 đồng là khá thấp. Nếu tính theo mức giá thị trường để ước lượng thì hiệu ứng xử phạt này khá thấp, nó chỉ tương đương giá mua một chiếc mũ bảo hiểm rởm. Bên cạnh đó cũng không ít cá nhân viện dẫn do bận việc nên chưa có thời gian mua mũ bảo hiểm cho trẻ (?!).
Theo tìm hiểu, hiện tình trạng tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não, gây tử vong trẻ em ở lứa tuổi học sinh đang có chiều hướng tăng cao. Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Trong đó, nguyên nhân xuất phát từ hành vi không đội mũ bảo hiểm chiếm tới 50%.
Nắm bắt tinh thần này, để có biện pháp phối hợp đồng bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo đến tất cả trường phổ thông trên địa bàn để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh. Sở đề nghị các trường bố trí địa điểm, nơi treo, giữ mũ bảo hiểm, tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh thực hiện quy định về an toàn giao thông.
Ngành Giáo dục cùng vào cuộc, thế nhưng vẫn có không ít phụ huynh “phớt lờ” quy định này. Cụ thể, tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai - Hà Nội), nơi lực lượng CSGT thường xuyên bố trí “chốt” tại cổng trường từ sáng sớm để xử lý các trường hợp vi phạm, Thượng úy Nguyễn Tuấn Hưng, Đội CSGT số 14, Tổ trưởng Tổ hợp tác xử phạt thống kê nhanh: trong 2 giờ xử lý vi phạm đã có 6 trường hợp vi phạm, 2/3 trong số này đều mang mũ nhưng vội đến trường nên không đội, chỉ có 1% phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con.
Trên một góc độ khác, theo chị Nguyễn Thu Trang, một phụ huynh vi phạm, điều lo lắng nhất không phải là ký giấy phạt. Thay vào đó, e ngại nhất với phụ huynh và học sinh là chuyện đánh giá thi đua, hạ hạnh kiểm của con em mình.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra hình thức xử lý với học sinh vi phạm, bị công an thông báo về trường như sau: Tùy mức độ sẽ phê bình trước lớp, trường (vi phạm lần 1) đến viết kiểm điểm, gọi phụ huynh lên trao đổi (lần 2) và tái phạm nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm một tháng, một kỳ. Trường nào để công an thông báo có nhiều học sinh vi phạm sẽ bị đánh giá thi đua.
Khách quan nhìn nhận, những biện pháp phối hợp đồng bộ của các đơn vị giáo dục với ngành giao thông là cần thiết và mang lại nhiều hiệu quả. Nhưng việc xử phạt như vậy trong chừng mực nào đó lại hoàn toàn trái thẩm quyền. Hay nói cách khác, việc trẻ không đội mũ lưu thông trên đường diễn ra bên ngoài trường học, không thuộc phạm vi quản lý của nhà trường.
Một phụ huynh bày tỏ băn khoăn: “Nếu xét theo mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm để xét bậc hạnh kiểm thì những “tội” như hành hung, đánh hội đồng bạn mình, lột đồ hay sỉ nhục bạn trước đám đông như một số vụ từng xảy ra mà xếp hạnh kiểm “yếu” có thỏa đáng không, vì thang hạnh kiểm hiện tại chỉ dựa vào bốn mức độ sơ sài: tốt, khá, trung bình, yếu. Hạnh kiểm ảnh hưởng đến cuộc sống của các em học sinh sau này, việc đánh giá chỉ dựa vào chiếc mũ bảo hiểm là bất hợp lý và thiếu thuyết phục”.
Trên quan điểm này, nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc xử lý, răn đe học sinh bằng cách hạ hạnh kiểm đã vô tình biến một việc tự nguyện, tự giác chấp hành thành miễn cưỡng, gượng ép. Xét về lâu dài, việc giáo dục như vậy hoàn toàn không mang lại những hiệu quả tích cực. Thậm chí, nó sẽ tạo cho trẻ tâm lý “đối phó” khi lớn lên.
Cần đồng bộ hóa các giải pháp
Có một nghịch lý trong câu chuyện giao thông mà người viết ghi nhận được, đó là phần đông phụ huynh đều cho rằng việc đảm bảo an toàn cho con em mình là trách nhiệm của nhà trường và toàn xã hội. Nghĩa là, nhà trường đóng vai trò đôn đốc, nhắc nhở còn lực lượng chức năng như CSGT phải xử phạt. Trong khi đó, trách nhiệm này trước tiên phải thuộc về chính các bậc phụ huynh.
Anh Nguyễn Mạnh Quân (Q.Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Việc đội mũ bảo hiểm không phải là an toàn cho CSGT hay cơ quan công quyền mà đảm bảo an toàn cho chính bản thân người tham gia giao thông. Tôi đề nghị phạt thật nặng, gấp 5 - 10 lần mức quy định hiện nay để họ biết”.
Đồng quan điểm này, một cán bộ CSGT Đội 1 nhấn mạnh: trong khi nhiều học sinh chưa ý thức được việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ chính mình thì giải pháp xử phạt nghiêm khắc là phương thức hiệu quả nhất để điều chỉnh hành vi.
Tuy nhiên, để giảm chấn thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh thì xử phạt chỉ là một trong nhiều giải pháp. Một giải pháp khác không kém phần quan trọng chính là nâng cao chất lượng mũ bảo hiểm.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh một học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tô Hoàng (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: “Con tôi bảo cô giáo dặn đến trường phải đội mũ bảo hiểm cho an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm mới là học sinh ngoan. Cô còn bảo, có mũ bảo hiểm thuận tiện tránh mưa, nắng trong mùa hè này. Nghe cháu nói thế thấy cũng phải, được đội mũ bảo hiểm, các con sẽ có ý thức tốt hơn về an toàn giao thông. Nhưng trên nhiều tuyến phố hiện nay, tình trạng bày bán tràn lan mũ rởm và đội mũ bảo hiểm theo kiểu “đội cho có” vẫn khá phổ biến. Nếu tình trạng trên tiếp tục tái diễn, khi tai nạn giao thông xảy ra vẫn không thể tránh khỏi những hệ lụy đáng tiếc”.
Thiết nghĩ, chế tài phạt học sinh, trẻ em từ 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có mục tiêu xa hơn nhiều so với chuyện thu tiền về ngân sách, đánh giá đạo đức học sinh. Cụ thể hơn, ở đây chính là câu chuyện giáo dục việc đội mũ bảo hiểm tự nguyện. Xử lý hành vi vi phạm nếu không đồng bộ, khéo léo sẽ rất dễ dẫn đến viễn cảnh nhờn luật, đối phó.
Hay nói như một phụ huynh: “Thành phố ra quân thực hiện cao điểm tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm tôi thấy đường phố tự dưng như nền nếp hẳn ra. Chủ trương đúng, triển khai thực hiện đúng nhưng đừng “đánh trống bỏ dùi”, cần phải làm và làm liên tục”.
Tư vấn thông tin khóa học: